Nhận diện kiến trúc xanh của riêng Việt Nam

By
30/04/2015

Theo tiêu chí do Hội KTS Việt Nam công bố, kiến trúc xanh là công trình được xây dựng trên địa điểm bền vững; môi trường sống bên trong công trình có chất lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; hòa nhập môi trường nhân văn; kiến trúc hiện đại, có bản sắc.

Kiến trúc xanh là sử dụng nhiều cây xanh?

Như tin đã đưa, mới đây, Hội KTS Việt Nam đã phát động cuộc tuyển chọn công trình kiến trúc xanh. Hội dự kiến trao giải và triển lãm các công trình được giải vào dịp kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27/04. Thông tin này khiến không ít người thắc mắc là từ lúc phát động đến khi tuyển chọn và trao giải, thời gian ngắn, liệu Hội có tìm được các công trình kiến trúc xanh đích thực?

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết: Tiêu chí kiến trúc xanh của Hội không nệ vào công nghệ nên sẽ không mất thời gian đi đo đạc 6 tháng như ở nước ngoài. Hội đồng tuyển chọn cần sự cung cấp số liệu chính xác của công trình tham dự tuyển chọn nhưng đó không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng là tinh thần hướng về thiên nhiên của công trình.

Theo tiêu chí do Hội KTS Việt Nam công bố, kiến trúc xanh là công trình được xây dựng trên địa điểm bền vững; môi trường sống bên trong công trình có chất lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; hòa nhập môi trường nhân văn; kiến trúc hiện đại, có bản sắc.

Ông Vạn phân tích thêm: Nhiều người hiểu lầm kiến trúc xanh là sử dụng nhiều cây xanh. Có một số người cho rằng kiến trúc xanh là xu hướng dành cho người giàu, cho những nước giàu. Nhưng không phải. Những nước nghèo cũng có thể phát triển kiến trúc xanh, làm cho đời sống của chúng ta tốt hơn, hạn chế và chống lại sự hủy hoại môi trường. Nhiều nước trên thế giới có hội đồng kiến trúc xanh riêng với những tiêu chí khác nhau. Việt Nam nghiên cứu tiêu chí kiến trúc xanh trong hoàn cảnh của mình. Nhiều nước đưa ra những tiêu chí về công nghệ cao, sử dụng những phương tiện đắt tiền trong việc hạn chế tiêu thụ năng lượng, sử dụng hợp lý hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ sinh hoạt… Nhưng nếu chỉ lấy yếu tố công nghệ làm trọng thì ở ta, chính quyền và người dân chưa đủ sức. Bởi thế, phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, những kinh nghiệm truyền thống và tinh thần hướng về thiên nhiên.

Kiến trúc xanh không xa vời

Trước đó, trong Chương trình Gặp gỡ mùa thu 2011, Hội KTS Việt Nam cũng từng đã chủ trì hội thảo “Hướng tới nền kiến trúc xanh Việt Nam”. Tại diễn đàn này, các chuyên gia đã chia sẻ quan điểm về công trình kiến trúc xanh. Theo KTS Nguyễn Hồng Hà: “Chúng ta đừng quá lo lắng về khái niệm ngôi nhà xanh và đừng cho nó là điều xa vời thực tế, nhất là với điều kiện kinh tếcòn khó khănhiện nay. Đừng nghĩ ngôi nhà xanh chỉ là những ngôi biệt thự mượt mà, sang trọng với hồ bơi ngoài trời nằm giữa khuôn viên cây cảnh. Cũng đừng nghĩ kiến trúc xanh chỉ là những căn nhà khép kín đầy đủ tiện nghi với kỹ thuật hiện đại, dùng toàn năng lượng tự nhiên, hoặc ngôi nhà xanh phải nằm giữa rừng cây, không có bất cứ thiết bị sử dụng năng lượng nhân tạo nào. Thực ra khái niệm kiến trúc xanh (green building) cũng rất gần với khái niệm kiến trúc sinh thái (ecological architecture) hay kiến trúc môi trường (environmental architecture), nói gọn là công trình kiến trúc được làm ra sao cho ít ảnh hưởng nhất đến môi trường và dựa vào môi trường, dựa vào thiên nhiên để hòa nhập với thiên nhiên một cách tối ưu. Thiên nhiên có ánh sáng, gió, nước, không khí, cây xanh… Tại sao ta không tận dụng và khai thác chúng một cách tối đa vào kiến trúc? Mức độ khai thác cái sẵn có của thiên nhiên này có thể đánh giá mức độ “xanh” của kiến trúc”.

KTS Nguyễn Hồng Hà khẳng định: Với điều kiện ở Tây Nguyên, rõ ràng việc xây dựng kiến trúc xanh có vẻ khả thi hơn những địa phương khác. Vấn đề khó chỉ còn là nhận thức của các chủ đầu tư, chủ nhà và nhất là các KTS. Kiến trúc xanh mang đến cái lợi trực tiếp cho chủ nhân (tiết kiệm điện, sức khỏe tốt hơn, giảm chi phí y tế, giảm chi phí duy tu sửa chữa nhà, giảm chất thải, giảm ô nhiễm môi trường…). Chúng ta đang mong muốn tạo ra những ngôi nhà thụ động (passive house), sử dụng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên, thông thoáng và điều hòa hoàn toàn bằng khí hậu tự nhiên. Để tạo ra những ngôi nhà thụ động, chúng ta phải biết khai thác những “thế mạnh” và giảm thiểu những tác động bất lợi của khí hậu, thời tiết bằng các giải pháp kiến trúc. Theo tôi, kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là giải pháp kiến trúc xanh…”.

KTS Hoàng Hà nhận định: “Tây Nguyên có khí hậu quanh năm mát mẻ và trong lành. Các đô thị ở Tây Nguyên chưa bao giờ có nạn kẹt xe hay tắc đường. Diện tích đất bình quân cho mỗi gia đình hàng trăm mét vuông. Vùng ngoại ô hay tại các buôn làng trong đô thị thì có thể lên đến hàng ngàn mét vuông. Đây chính là điều kiện thuận lợi để xây dựng những ngôi nhà xanh, những đô thị xanh cho vùng đất cao nguyên”.

Với quan điểm “chúng ta đang ở kỷ nguyên của kiến trúc xanh”, bên cạnh hệ thống tiêu chí đánh giá, KTS Nguyễn Minh Sơn (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ: Kiến trúc xanh được sinh ra không chỉ bởi sự chống trả những biến đổi bất thường của thiên tai bão lũ, những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra mà còn bởi sự tìm kiếm, rượt đuổi bất tận về chất lượng và tiện nghi cuộc sống. Nếu thành công thì sự phát triển kiến trúc xanh sẽ mang lại lợi ích to lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội.

Hiện nay các công trình xây dựng trên thế giới chiếm khoảng 35% việc tiêu thụ năng lượng toàn cầu và cũng phát thải khoảng 37% khí nhà kính. Trong bối cảnh đó, việc thiết kế, thi công và vận hành các công trình xanh có tác dụng vô cùng lớn trong việc sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính và xa hơn nữa là giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Công trình xanh chính là giải pháp thích hợp để phát triển bền vững trong thế kỷ XXI.

Theo Báo xây dựng

Tin liên quan